Cách chọn biểu đồ phù hợp cho dữ liệu và dashboard

“Nên chọn biểu đồ nào phù hợp cho dashboard?” là thắc mắc chung của nhiều bạn làm phân tích dữ liệu khi mới luyện tập xây dựng dashboards. Một nguồn dữ liệu có thể biểu diễn bằng nhiều biểu đồ khách nhau nên khiến bạn phân vân. Trong bài viết này, Hiếu sẽ hướng dẫn bạn cách chọn biểu đồ phụ hợp cho dữ liệu khi xây dựng dashboard, và giới thiệu các dạng biểu đồ thường gặp trên dashboard để bạn biết khi nào nên dùng chúng.

Cách chọn biểu đồ phù hợp

Theo quan điểm cá nhân của Hiếu, để chọn một biểu đồ phù hợp cho dữ liệu để thêm vào dashboard thì chúng ta cần xem xét ba yếu tố là mục đích của biểu đồ, đối tượng xem dashboard, và giới hạn của nền tảng tạo dashboard. Nếu một biểu đồ đáp ứng được ba yếu tố này thì đó là một biểu đồ phù hợp.

  1. Mục đích của biểu đồ: Mỗi biểu đồ sẽ trả lời ít nhất một câu hỏi, ví dụ như “Lợi nhuận của công ty đang tăng trưởng như thế nào?” thì chọn biểu đồ có Time series sẽ phù hợp vì nó cho thấy sự tăng trưởng lợi nhuận qua thời gian.
  2. Đối tượng xem dashboard: Tuy cùng một mục đích nhưng sẽ có nhiều biểu đồ để biểu diễn, hãy chọn một biểu đồ mà đối tượng xem dashboard có thể hiểu ngay ý nghĩa của biểu đồ đó. Ví dụ như “Độ tuổi của khách hàng có phân phối như thế nào?” thì bạn dùng biểu đồ Boxplot cũng đúng, nhưng những người không có chuyên môn về biểu đồ thì họ sẽ khó hiểu, vì vậy biểu đồ Bar hoặc Histogram sẽ giúp họ dễ hiểu hơn.
  3. Giới hạn của nền tảng tạo dashboard: Đây là một trở ngại người làm dashboard khó tránh khỏi. Mặc dù bạn biết có một biểu đồ nào đó rất phù hợp để trả lời một câu hỏi, nhưng nền tảng dashboard mà công ty đang sử dụng lại không có. Ví dụ như trên Tableau Desktop không có sẵn biểu đồ Sankey, bạn phải làm theo hàng chục bước trên các website của chuyên gia để chế ra một biểu đồ giống như Sankey.

Các dạng biểu đồ trên dashboard

Trong lĩnh vực phân tích dữ liệu và khoa học dữ liệu có rất nhiều biểu đồ không thể kể hết. Hiếu chỉ liệt kê những biểu đồ thường thấy trên dashboard và được các nền tảng xây dựng dashboard hỗ trợ, Hiếu sẽ giải thích ý nghĩa của từng biểu đồ để bạn biết cách chọn biểu đồ phù hợp cho dữ liệu.

Biểu đồ Scorecard

Chọn biểu đồ Scorecard để cung cấp một cái nhìn tổng quan, dễ hiểu về hiệu suất và tiến độ của một chỉ số hoặc dự án so với các mục tiêu đã đặt ra.

  • Tình huống sử dụng: Quản lý hiệu suất doanh nghiệp, báo cáo tài chính, …
  • Vị trí phù hợp: Phần đầu của một dashboard.
Chọn biểu đồ Scorecard phù hợp cho dữ liệu KPI
Chọn biểu đồ Scorecard phù hợp cho dữ liệu KPI

Biểu đồ Gauge

Chọn biểu đồ Gauge để biểu diễn tiến độ của một chỉ số KPI và so sánh với target ở cấp độ tổng quan nhất.

  • Tình huống sử dụng: theo dõi hiệu suất KPIs, quản lý tài chính, giám sát hệ thống và mạng, theo dõi sức khỏe và thể dục, …
  • Vị trí phù hợp: Phần đầu của một dashboard.
Chọn biểu đồ Gauge phù hợp cho dữ liệu KPI
Chọn biểu đồ Gauge phù hợp cho dữ liệu KPI

Biểu đồ Line (Time series)

Chọn biểu đồ Line để dễ dàng nhận biết các xu hướng, và biến động của các chỉ số theo thời gian. Biểu đồ này được sử dụng ở hầu hết dashboard.

  • Tình huống sử dụng: Phân tích xu hướng theo thời gian, giám sát hiệu suất liên tục, so sánh dữ liệu giữa nhiều danh mục, phân tích tài chính, phân tích hiệu suất web và ứng dụng, quản lý sản xuất và vận hành, …
  • Vị trí phù hợp: Phần đầu và phần thân của một dashboard.
  • Biến thể: Area.
Chọn biểu đồ Line (Time series) phù hợp cho dữ liệu theo thời gian
Chọn biểu đồ Line (Time series) phù hợp cho dữ liệu theo thời gian

Biểu đồ Area

Chọn biểu đồ Area để biểu diễn sự thay đổi của một chỉ số qua thời gian như biểu đồ Line nhưng vẫn tạo cảm giác có khối lượng như biểu đồ Bar. Biểu đồ Area còn được sử dụng theo kiểu chồng lên nhau như stacked bar.

Chọn biểu Area phù hợp cho dữ liệu theo thời gian
Chọn biểu Area phù hợp cho dữ liệu theo thời gian

Biểu đồ Bar

Chọn biểu đồ Bar so sánh dữ liệu giữa các danh mục khác nhau. Biểu đồ Bar cũng được dùng để xem sự thay đổi của một chỉ số qua thời gian nếu chúng ta chọn X-axis là thời gian.

  • Tình huống sử dụng: So sánh số lượng giữa các danh mục, biểu diễn dữ liệu theo thời gian, so sánh hiệu suất, …
  • Vị trí phù hợp: Phần thân của một dashboard.
  • Biến thể: Countplot, Horizontal bar, Stacked bar.
Chọn biể đồ Bar phù hợp cho dữ liệu danh mục hoặc thời gian
Chọn biể đồ Bar phù hợp cho dữ liệu danh mục hoặc thời gian

Biểu đồ Pie (Doughnut)

Chọn biểu đồ Pie (Doughnut) biểu diễn tỷ lệ phần trăm của các thành phần trong một tổng thể, giúp người xem dễ dàng nhận biết sự phân phối của dữ liệu. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng khi số lượng phần quá nhiều hoặc tỷ lệ giữa các phần quá gần nhau, biểu đồ Pie có thể trở nên khó hiểu và không hiệu quả.

  • Tình huống sử dụng: Biểu diễn phần trăm, biểu diễn cơ cấu, biểu diễn phân loại, biểu diễn thị phần thị trường, biểu diễn phân phối tỷ lệ, biểu diễn tần suất, …
  • Vị trí phù hợp: Phần thân và chân của một dashboard.
Chọn biểu đồ Pie (Doughnut) phù hợp cho dữl liệu danh mục
Chọn biểu đồ Pie (Doughnut) phù hợp cho dữl liệu danh mục

Biểu đồ Map

Chọn biểu đồ Map để giúp người dùng hiểu được mối quan hệ giữa dữ liệu và địa lý, từ đó hỗ trợ quyết định và kế hoạch trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

  • Tình huống sử dụng: Biểu diễn liệu phân bố địa lý, phân tích thị trường, quản lý và vận hành, biểu diễn địa lý kinh tế và xã hội, …
  • Vị trí phù hợp: Phần đầu và thân của một dashboard.
  • Biến thể: Bubble map, Filled map, heat map, Line map, Connection map, Combo map, Geo chart.
Chọn biểu đồ Map phù hợp cho dữ liệu vị trí địa lý
Chọn biểu đồ Map phù hợp cho dữ liệu vị trí địa lý

Biểu đồ Scatter

Chọn biểu đồ Scatter để phân tích và hiểu mối quan hệ giữa các biến số trong dữ liệu. Nó cho phép nhìn thấy mức độ tương quan giữa các biến số và giúp đưa ra nhận định về các mối quan hệ và xu hướng trong dữ liệu. Mỗi điểm trên biểu đồ đại diện cho một cặp giá trị của hai biến số.

  • Tình huống sử dụng: Biểu diễn mối quan hệ, phân tích tương quan, phát hiện xu hướng và mẫu, đánh giá tác động, phân tích dữ liệu nhiễu, biểu diễn dữ liệu đa biến, dự báo và dự đoán, …
  • Vị trí phù hợp: Phần thân của một dashboard.
  • Biến thể: Bubble.
Chọn biểu đồ Scatter phù hợp cho dữ liệu cần kiểm tra mức độ tương quan
Chọn biểu đồ Scatter phù hợp cho dữ liệu cần kiểm tra mức độ tương quan

Biểu đồ Bubble

Chọn biểu đồ Bubble để biểu diễn các mối quan hệ phức tạp giữa ba hoặc nhiều biến số và giúp nhìn thấy sự đa dạng trong dữ liệu. Nó cung cấp cái nhìn toàn diện về các mối quan hệ và xu hướng trong dữ liệu, đồng thời cho phép phân loại và phân tích dữ liệu một cách trực quan.

  • Tình huống sử dụng: Biểu diễn ba biến số, phân tích tương quan ba chiều, biểu diễn dữ liệu đa chiều, …
  • Vị trí phù hợp: Phần thân của một dashboard.
Chọn biểu đồ Bubble phù hợp cho dữ liệu cần kiểm tra mức độ tương quan từ ba biến trở lên
Chọn biểu đồ Bubble phù hợp cho dữ liệu cần kiểm tra mức độ tương quan từ ba biến trở lên

Biểu đồ Bullet

Chọn biểu đồ Bullet để so sánh hiệu suất hoặc tiến độ của một số chỉ tiêu với các mục tiêu đã đặt ra, giúp người dùng nhanh chóng nhận biết sự tiến triển và đánh giá tình hình.

  • Tình huống sử dụng: Đo lường hiệu suất, quản lý dự án, đánh giá tiến trình đào tạo, quản lý tài chính, …
  • Vị trí phù hợp: Phần đầu và thân của một dashboard.
Chọn biểu đồ Bullet phù hợp cho dữ liệu có target
Chọn biểu đồ Bullet phù hợp cho dữ liệu có target

Biểu đồ Treemap

Chọn biểu đồ Treemap để biểu diễn dữ liệu phân cấp trong định dạng hình chữ nhật. Trong biểu đồ này, các hình chữ nhật lớn đại diện cho toàn bộ tập dữ liệu và được chia thành các hình chữ nhật con nhỏ hơn, đại diện cho các phần của tập dữ liệu. Kích thước của mỗi hình chữ nhật con thường phản ánh giá trị của một biến số, chẳng hạn như doanh số bán hàng, lợi nhuận, hoặc số lượng. Màu sắc thường được sử dụng để phân biệt giá trị của biến số khác.

  • Tình huống sử dụng: Biểu diễn cấu trúc dữ liệu phân cấp, biểu diễn phân phối dữ liệu, …
  • Vị trí phù hợp: Phần đầu và thân của một dashboard.
Chọn biểu đồ Treemap phù hợp cho dữ liệu danh mục
Chọn biểu đồ Treemap phù hợp cho dữ liệu danh mục

Biểu đồ Sankey

Chọn biểu đồ Sankey để trực quan hóa dòng chảy của các yếu tố từ nguồn đến đích, cung cấp một cái nhìn tổng quan trực quan về sự phân bố và chuyển đổi của các yếu tố trong hệ thống.

  • Tình huống sử dụng: Phân tích hành vi người dùng hoặc khách hàng trong một quy trình cụ thể, phân tích ngân sách được phân bổ trong các bộ phận, xác định các điểm mất mát hoặc lãng phí, …
  • Vị trí phù hợp: Phần thân và chân của một dasboard.
Chọn biểu đồ Sankey phù hợp cho dữ liệu danh mục
Chọn biểu đồ Sankey phù hợp cho dữ liệu danh mục

Biểu đồ Waterfall

Chọn biểu đồ Waterfall để theo dõi cách các thay đổi riêng lẻ góp phần vào sự thay đổi tổng thể của một chỉ số từ điểm bắt đầu đến điểm kết thúc, giúp người xem dễ dàng nhận thấy những yếu tố chính ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng.

  • Tình huống sử dụng: Phân tích hiệu suất giúp xác định các yếu tố đóng góp vào thành công hoặc thất bại, phân tích tài chính, …
  • Vị trí phù hợp: Phần đầu và thân của một dashboard.
Chọn biểu đồ Waterfall phù hợp cho dữ liệu danh mục
Chọn biểu đồ Waterfall phù hợp cho dữ liệu danh mục

Biểu đồ Timeline

Chọn biểu đồ Timeline để trình bày thông tin theo trình tự thời gian, giúp người xem dễ dàng nhận thấy các mốc quan trọng và hiểu được tiến trình tổng thể của một sự việc hay dự án. Nó cung cấp cái nhìn trực quan và dễ hiểu về cách các sự kiện hoặc giai đoạn phát triển theo thời gian.

  • Tình huống sử dụng: Lịch sử và sự kiện, quản lý dự án, phát triển sản phẩm, tiến trình pháp lý, hành trình người dùng, lộ trình phát triển công nghệ, sự kiện cá nhân.
  • Vị trí phù hợp: Phần đầu của dashboard.
Chọn biểu đồ Timeline phù hợp cho dữ liệu thời gian và dự án
Chọn biểu đồ Timeline phù hợp cho dữ liệu thời gian và dự án

Biểu đồ Boxplot

Chọn biểu đồ Boxplot để cung cấp cái nhìn trực quan về sự phân bố và sự biến thiên của dữ liệu, giúp nhận diện các đặc điểm quan trọng và phát hiện các giá trị bất thường trong tập dữ liệu. Boxplot là một công cụ thống kê dùng để hiển thị sự phân bố dữ liệu dựa trên các giá trị tóm tắt như trung vị, tứ phân vị, và các giá trị cực đại.

  • Tình huống sử dụng: Phân tích sự phân bố dữ liệu, phát hiện ngoại lệ, so sánh nhóm, tóm tắt thống kê, phân tích dữ liệu đa biến, kiểm tra giả thuyết.
  • Vị trí phù hợp: Phần thân và chân của một dashboard.
Biểu đồ Boxplot
Biểu đồ Boxplot

Biểu đồ Candlestick

Chọn biểu đồ Candlestick để phân tích kỹ thuật và giao dịch tài chính như chứng khoán, cung cấp thông tin chi tiết và trực quan về biến động giá và tâm lý thị trường.

  • Tình huống sử dụng: Dùng để phân tích kỹ thuật, xu hướng biến động giá, tân lý của thị trường, …
  • Vị trí phù hợp: Phần đầu và thân của một dashboard.
Biểu đồ Candlestick
Biểu đồ Candlestick

Biểu đồ Histogram

Chọn biểu đồ Histogram để biểu diễn phân phối của một tập dữ liệu số liệu liên tục thông qua các cột dọc. Mỗi cột trên biểu đồ Histogram đại diện cho một khoảng giá trị (bin) và chiều cao của cột thể hiện số lượng quan sát rơi vào khoảng đó.

  • Tình huống sử dụng: Biểu diễn phân phối dữ liệu, so sánh phân phối giữa các nhóm, phát hiện outlier, …
  • Vị trí phù hợp: Phần thân và chân của một dashboard.
Biểu đồ Histogram
Biểu đồ Histogram

Biểu dồ Heatmap

Chọn biểu đồ Heatmap để biểu diễn dữ liệu trong một bảng hoặc ma trận thông qua một mảng các ô màu, màu sắc của ô thường phản ánh giá trị của nó. Heatmap dùng để khám phá và hiểu về mối quan hệ, phân bố, và mẫu dữ liệu trong một tập dữ liệu.

  • Tình huống sử dụng: Biểu diễn mối quan hệ, hiển thị tần suất, biểu diễn phân loại, hiển thị ma trận, biểu diễn dữ liệu thời gian, …
  • Vị trí phù hợp: Phần thân và chân của một dashboard.
Biểu dồ Heatmap
Biểu dồ Heatmap

Biểu đồ Gantt

Chọn biểu đồ Gantt để biểu diễn lịch trình của dự án và các công việc liên quan, giúp quản lý và nhóm làm việc hiểu rõ về thời gian và tương quan giữa các hoạt động. Nó cũng giúp trong việc đưa ra quyết định và điều chỉnh kế hoạch dự án khi cần thiết để đảm bảo tiến độ của dự án được tuân thủ

  • Tình huống sử dụng: Quản lý dự án, lập kế hoạch sản xuất, quản lý lộ trình của nhân sự, quản lý dự án xây dựng, quản lý sự kiện, …
  • Vị trí phù hợp: Phần đầu và thân của một dashboard.
Biểu đồ Gantt
Biểu đồ Gantt

Table (Pivot table)

Chọn Table (Pivot table) để xem tóm tắt, phân tích và so sánh dữ liệu với nhiều dimensions khác nhau. Pivot table cũng được dùng để xem phân bổ dữ liệu bằng cách tạo bảng pivot phần trăm.

  • Tình huống sử dụng: Biểu diễn dữ liệu cụ thể hơn theo các dimensions, diễn giải lại một biểu đồ khác một cách chi tiết hơn, …
  • Vị trí phù hợp: Phần thân và chân của một dashboard.
Table (Pivot table)
Table (Pivot table)

Lời kết

Hiếu hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn biết cách chọn biểu đồ phù hợp cho dashboard của bạn. Nếu bạn có thắc mắc về biểu đồ nào thì đừng ngần ngại để lại bình luận bên dưới để giao lưu với Hiếu nhé.

Bài viết liên quan

Trần Ngọc Minh Hiếu

Trần Ngọc Minh Hiếu

Mình hiện đang làm Data Analyst, trước đó từng làm Digital Marketing. Viết blog là một niềm vui của mình, giúp mình chia sẻ lại những kiến thức và trải nghiệm từ cuộc sống và công việc. Bạn có thể donate cho mình tại đây.

2 bình luận về “Cách chọn biểu đồ phù hợp cho dữ liệu và dashboard”

Viết một bình luận

Hãy thoải mái để lại bình luận của bạn, chúng tôi sẽ kiểm duyệt và phản hồi trong thời gian sớm nhất. Vui lòng sử dụng email thật để đảm bảo bình luận được duyệt và nhận thông báo khi chúng tôi trả lời. Bạn cũng có thể thêm ảnh đại diện cho email của mình.